Chỉ cần gõ từ khóa “kính áp tròng”, trên google lập tức hiển thị hàng trăm cửa hàng bán hàng online với lời quảng cáo kính áp tròng Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… an toàn, bền, đẹp và rẻ. Theo một bác sĩ làm việc tại phòng khám chuyên về mắt trên phố Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), các cửa hàng bán kính áp tròng trên mạng nhập hàng từ nhiều nguồn nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ và bán với giá rẻ, các loại kính này không đảm bảo.
Chị Lương Minh Huệ, Công ty thương mại quốc tế Hoàng Đức (Hà Nội), chuyên nhập khẩu kính áp tròng từ Mỹ, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc về phân phối cho các bệnh viện và hệ thống kinh doanh kính có uy tín cho hay, khi truy cập vào các địa chỉ bán kính áp tròng trên mạng, chị giật mình vì giá quá rẻ. Theo chị Huệ, các cửa hàng rao bán các loại kính áp tròng sử dụng trong 6 tháng và 1 năm, giá chỉ vài chục nghìn đồng đến hơn 100.000 đồng, đều là sản phẩm xách tay, trôi nổi.
Chị N.P.A (ngụ tại Khu đô thị Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị mua kính áp tròng loại cho người bị cận, màu xanh của một cửa hàng tên M.N. trên mạng, loại dùng 6 tháng, giá cả cặp kính và lọ dung dịch là 300.000 đồng. “Tôi thấy giá khá mềm. Tuy nhiên, chỉ đeo kính được 6 tiếng là tôi phải tháo ra vì mắt bị đỏ”, chị N.P.A nói.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp viêm, loét giác mạc do sử dụng kính áp tròng không đảm bảo vệ sinh, gây bội nhiễm. Theo bác sĩ Cương, hiện có 2 loại kính áp tròng là kính thuốc dành cho bệnh nhân có tật khúc xạ (cận, viễn, loạn) và kính áp tròng thời trang. Trong đó, kính áp tròng thời trang thường do các nơi cung cấp tự tìm nguồn hàng, không bắt buộc phải phân phối bởi các đơn vị y tế nên khó kiểm soát chất lượng.
Có thể bị mù lòa
“Việc sử dụng kính áp tròng không đúng, không đảm bảo vệ sinh có thể gây viêm nhiễm, thậm chí giảm, mất thị lực, mù lòa”, bác sĩ Cương khuyến cáo.
Theo bác sĩ Cương, mới đây, bệnh nhân nữ Đ.T.T.T (20 tuổi) phải vào Bệnh viện Mắt T.Ư điều trị trong tình trạng viêm loét giác mạc sau một thời gian sử dụng kính áp tròng. Bệnh nhân T. cho biết, chị không bị tật khúc xạ nhưng do muốn mắt có màu đẹp, long lanh hơn nên tự mua kính áp tròng tại các cửa hàng về dùng, mỗi lần đeo trong khoảng 6 - 8 giờ.
“Có khi đeo kính em có bị bụi vào mắt nhưng không vệ sinh mắt và kính ngay bởi đang đi đường. Sau một vài lần như vậy, em có có biểu hiện khó chịu, nhìn mờ. Trước khi đến bệnh viện, em tự ra nhà thuốc mua thuốc về nhỏ mắt. Sau 3 - 4 ngày dùng thuốc, tình trạng không khá hơn nên em đến Bệnh viện Mắt T.Ư và được kết luận bị loét giác mạc", bệnh nhân T. nói.
Phần lớn người sử dụng kính áp tròng đều không vệ sinh đúng cách và có khả năng gây viêm nhiễm cho đôi mắt, bao gồm cả viêm giác mạc, theo Self.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, dung dịch rửa kính phải đảm chất lượng, nếu không sẽ là nơi chứa vi khuẩn. Ngâm mắt kính trong dung dịch này, khi đeo kính, vi khuẩn vào mắt gây viêm. Ngoài ra, đeo kính áp tròng cũng khiến mắt bị thiếu ô xy, gây khô mắt, đau mắt, loét giác mạc, thậm chí giảm thị lực, mù lòa. Kính áp tròng cũng có thể làm cản trở tầm nhìn của mắt, giảm cảm giác ở giác mạc, dễ gây loét giác mạc nếu đeo thường xuyên. Nó cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng, viêm kết mạc, sưng nề mắt.
Theo bác sĩ Cương, trước khi sử dụng kính áp tròng nên được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định có thể dùng hoặc không nên dùng kính áp tròng. Luôn rửa sạch tay trước khi đeo kính và nên đeo kính trước khi trang điểm, lấy kính ra trước khi tẩy trang. Không nên đeo kính áp tròng khi trời mưa, khi bơi. Không dùng kính nhiều giờ và cần tháo kính trước khi đi ngủ. Chỉ sử dụng kính có nguồn rốc rõ ràng, được cấp chứng nhận của Bộ Y tế.
Nam Sơn - Thuý Hằng